Trong khi Ấn Độ, Việt Nam đang cố gắng thành "quốc gia khởi nghiệp", Singapore đã tiến đến "quốc gia thông minh"
Những hạn chế về diện tích, cơ cấu dân số hay lợi thế cảng biển mất dần đang thúc ép Singapore một lần nữa phải cải cách, đổi mới
Singapore là một quốc gia nổi tiếng trên thế giới khi đứng đầu nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Từ bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cho đến quốc gia có Internet băng thông rộng nhanh nhất thế giới của Ookla, hay đất nước có tốc độ phát triển kỹ thuật số hàng đầu thế giới của trường đại học Tufts.
Hiện nay, Singapore lại có thêm một giải thưởng nữa khi trở thành quốc gia thông minh-Smart Nation đầu tiên trên thế giới.
Vậy tại sao Singapore lại là quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới khi rất nhiều thành phố đã ứng dụng các kỹ thuật tự động vào hệ thống giao thông, xử lý rác thải, chiếu sáng công cộng... chứ không riêng gì Singapore?
Câu trả lời rất đơn giản, tầm nhìn và tham vọng của Singapore về một quốc gia thông minh lớn hơn nhiều so với những thành phố khác.
Singapore đã đầu tư hàng tỷ USD hàng năm cho các nghiên cứu và phát triển (R&D) của những trường đại học danh giá cũng như những trung tâm y tế trong nước nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Quốc gia này cũng trở thành trung tâm của các startup công nghệ và là thị trường lớn cho các nhà đầu tư.
Cả khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân đều tập trung sử dụng toàn diện công nghệ để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và những cơ hội kinh doanh tốt hơn cho doanh nhân.
Động lực phát triển
Chính phủ Singapore luôn cố gắng dự đoán trước những yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến đất nước cũng như toàn cầu nhằm đề ra đường lối để đảm bảo vị thế của quốc gia. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Singapore trở thành một quốc gia thông minh.
Cũng như nhiều nước khác, Singapore phải đối mặt với một nền dân số đang lão hóa và mật độ dân số quá đông, qua đó đòi hỏi chính phủ phải tăng tốc hiện đại hóa đất nước trở thành một quốc gia thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu sống của người dân.
Hiện Singapore là quốc gia có mật độ dân số đông thứ 3 thế giới với bình quân khoảng 8.000 người trên mỗi km2. Tồi tệ hơn, con số này sẽ còn tăng khi nhiều chuyên gia dự báo khoảng 2/3 số dân tại các vùng trên toàn cầu sẽ chuyển lên thành phố vào năm 2050.
Mật độ dân số
Năm 2014, khoảng 54% tổng số dân toàn cầu đang sinh sống tại các đô thị, cao hơn mức 34% vào năm 1960.
Trong khi đó tại Singapore tính đến năm 2030, số người già trên 65 tuổi sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay lên 900.000 người, tương đương 1/5 tổng dân số. Điều này đồng nghĩa với việc suy giảm lực lượng lao động tại Singapore và tạo áp lực lên hệ thống y tế, giao thông. Hơn nữa, việc giảm lực lượng lao động trong khi gánh nặng chăm sóc người già tăng lên sẽ khiến những nguồn tài nguyên như điện, nước, lương thực ở Singapore chịu ảnh hưởng vô cùng lớn.
Duy trì điện năng
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng đến 37% trong khoảng 2013-2035 với 96% nhu cầu đến từ các nước ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Riêng tại Singapore, lượng tiêu thụ điện đã tăng 1/3 trong vòng 10 năm qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% từ nay tới năm 2050.
Tuy nhiên, Singapore không muốn tốn quá nhiều quỹ đất vốn hạn hẹp của mình để xây thêm những nhà máy điện.
Vì vậy, giải pháp của chính phủ là biến đất nước thành một quốc gia thông minh thực sự đầu tiên trên thế giới, qua đó tận dụng mọi nguồn năng lượng có thể sử dụng cũng như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tối đa năng lượng.
Theo đó, quốc gia này dự định sẽ toàn diện sử dụng những công nghệ phân tích và cổng dữ liệu lớn cũng như những kỹ thuật cảm biến và kết nối điện tử.
Để làm được điều đó, chính phủ Singapore đang cố gắng thu hút các công ty công nghệ cũng như các nhà đầu tư từ khắp mọi nơi trên thế giới đến đây kinh doanh, đồng thời khuyến khích họ xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh tại đây. Ngoài ra, Singapore cũng khuyến khích các công ty trên coi đất nước này là một “phòng thí nghiệm sống” cho các ý tưởng, công nghệ hay kỹ thuật tiên tiến để thử nghiệm trước.
Đây cũng là lý do chính phủ Singapore tăng cường áp dụng công nghệ cho hành chính công và tạo điều kiện cho các công ty công nghệ hoạt động kinh doanh ở đây. Trong đó bao gồm những chính sách về bảo mật và bản quyền, mở cổng dữ liệu chính phủ và khuyến khích các công ty áp dụng những kỹ thuật mới cho hành chính công.
Hiện nay, khoảng hơn 100 ứng dụng điện tử rại Singapore đang sử dụng cổng dữ liệu mở của chính phủ.
Phòng thí nghiệm sống
Hiện Singapore đã áp dụng nhiều công nghệ vào một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hay y tế.
Ví dụ nhiều bệnh viện tại đây đang thử nghiệm hệ thống truyền tải dữ liệu không dây gắn vào cảm biến trên chân của bệnh nhân. Bằng cách này, các bác sỹ có thể khám chưa bệnh tại gia cho bệnh nhân và tiết kiệm thời gian đến bệnh viện cũng như chờ đợi xếp hàng.
Hơn nữa, hệ thống này cũng tăng năng suất và hiệu quả khám chưa bệnh của bác sỹ.
Một dữ án nữa cũng đang được triển khai là thiết bị ứng dụng thông minh tại căn hộ chung cư ở Singapore nhằm bảo vệ an toàn cho người già và giải phóng sức lao động cho người thân của họ. Thông thường, những gia đình có người già thường phải có người thân chăm sóc, qua đó giới hạn sức lao động. Tuy nhiên, với hệ thống cảm biến giám sát và cảnh báo thể thông báo cho người thân hay láng giềng, những người già có thể sống độc lập mà không cần nhiều sự chăm sóc.
Những dự án này dù mới được thử nghiệm tại Singapore nhưng hoàn toàn có thể áp dụng trên toàn thế giới. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho thấy sẽ có khoảng 800 triệu người trong tổng số 8 tỷ dân vào năm 2025 vượt quá 65 tuổi và đây là một vấn đề đang quan tâm với nhiều nước.
Dân số trên toàn cầu đang ngày một già đi. Trong khoảng 2000-2050, tỷ lệ người trên 60 tuổi trong tổng dân số sẽ tăng từ 11% lên 22%, tương đương tăng từ 605 triệu người lên 2 tỷ người.
Giao thông Vận tải
Singapore cũng đã xây dựng hơn 6km đường thông minh và có khả năng lưu thông các phương tiện giao thông tự động. Tuyến đường này được kết nối thông qua một mạng lưới chung truyền dữ liệu qua hơn 1.000 bộ cảm biến gắn trên đường.
Những thông tin như tắc đường, trạm xe bus hay những khu vực có taxi sẽ chuyển về trung tâm hỗ trợ, phân tích và truyền lại cho các cảm biến, qua đó phối hợp điều khiển phương tiện giao thông.
Hiện nay, khoảng 64% tổng số các chuyến vận tải là di chuyển trong những khu vực đô thị và dự kiến tổng số km đường vận tải tại các đô thị sẽ còn tăng gấp 3 lần từ nay đến năm 2050. Tuy nhiên, tình trạng tắc đường sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu khi lượng xe ngày càng đông nhưng các tuyến đường lại được mở rộng rất chậm.
Tại Singapore, có khoảng 1 triệu xe đang được sử dụng trong khi đường xá chỉ chiếm 12% tổng diện tích.
Dẫu vậy, với sự giới hạn của quỹ đất, Singapore không có khả năng mở rộng thêm quá nhiều tuyến đường.
Startup
Tại Singapore, chúng ta có thể dễ dàng thấy những khu thí nghiệm công nghệ, công ty khởi nghiệp hay vườn ươm sinh học xen lẫn với các tổ chức nghiên cứu tư nhân hay trường đại học. Mục đích chính của hệ thống sắp xếp này là tạo ra một cộng đồng chia sẻ kiến thức cũng như khiến các công nghệ trở nên thiết thực và gần gũi với cuộc sống hơn.
Một số trường đại học ở Singapore có thể hợp tác với các startup hoặc phòng nghiên cứu để cho sinh viên thực tập hoặc tham gia vào quá trình phát triển dự án.
Trong khoảng 2005-2014, số Startup tại Singapore đã tăng mạnh từ 24.000 lên 50.000. Số liệu của Asia Venture Capital Journal Research cho thấy những startup công nghệ đã thu hút được khoảng 1,7 tỷ USD tiền đầu tư khởi điểm trong năm 2013. Nhờ đó đưa Singapore vượt qua Nhật bản, Hàn Quốc và Hong Kong về mảng startup.
Singapore có sự kết nối chặt chẽ giữa chính phủ, các tập đoàn quốc tế, phòng thí nghiệm, quỹ đầu tư mạo hiểm, startup...qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận 600 triệu người dùng Đông Nam Á và 4,2 tỷ khách hàng Châu Á
Hiện nay, khoảng hơn 40% các thương vụ startup tại khu vực Đông Nam Á là diễn ra tại Singapore.
Với lợi thế bao quanh thị trường Đông Nam Á với khoảng 4 giờ bay, Singapore đang khuyến khích nhà đầu tư đặt trụ sở ở đây để tiếp cận 600 triệu người tiêu dùng trong khu vực. Thậm chí những startup này có thể vươn tới thị trường toàn Châu Á với 4,2 tỷ người dùng.
Một yếu tố vô cùng quan trọng đóng góp cho thành công của quốc gia thông minh Singapore là nhân tài. Nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong nước chủ yếu đến từ 2 trường là Đại học quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang.
Gần đây, chính phủ Singapore đã đưa ra một bản kế hoạch mới, theo đó những kỹ sư và kỹ thuật viên có thể làm việc bán thời gian với chính phủ trong vòng 3-6 tháng để chung tay xây dựng những kỹ thuật mới, qua đó góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.
Trong vòng 10 năm qua, Singapore đã chi hơn 22 triệu USD cho các dự án nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm những công nghệ hoặc sản phẩm mới.
Kể từ năm 2011, mảng đầu tư tư nhân đã chi khoảng 8,6 tỷ USD cho các nghiên cứu phát triển công nghệ, hỗ trợ khoảng 400 startup và xin cấp 800 bằng sáng chế.
Mới đây, chính phủ Singapore đã phê duyệt khoản ngân sách 13,8 tỷ USD cho kế hoạch 5 năm nhằm phát triển công nghệ, hỗ trợ các công ty kỹ thuật và hỗ trợ đưa những sản phẩm đang nghiên cứu ra ngoài thực tế.
Với những khoản đầu tư và chiến lược rõ ràng như trên, việc Singapore trở thành quốc gia thông minh đầu tiên có lẽ không có gì là khó hiểu.
Cho Thuê Căn Hộ - Cho Thuê Nhà - Đất Nền Quận 2 - Hà Đô Centrosa Garden