Trung tâm hành chính mới của Tp.HCM có diện mạo như thế nào
UBND TP.HCM vừa phê duyệt thiết kế và dự toán công trình Khu trung tâm hành chính thành phố giai đoạn 1.
Công trình nối dài khối nhà mặt tiền đường Lê Thánh Tôn của trụ sở UBND TP.HCM đến giáp đường Đồng Khởi. Trong đó, tầng 1 (trệt) và tầng 2 có diện tích 750m2/tầng.
Tầng hầm tận dụng lại tầng hầm rộng gần 1.900m2 đã có của chung cư 213 Đồng Khởi trước đây, thiết kế lại giao thông cho hợp lý và dự kiến bố trí chỗ để xe, phòng kỹ thuật. Tổng kinh phí cần là 53 tỉ đồng.
Phối cảnh tòa nhà làm việc của UBND TP.HCM mặt tiền đường Lê Thánh Tôn
Khối nhà làm việc kéo dài đến góc đường Lê Thánh Tôn và Đồng Khơi. Nơi đây tập trung nhiều trung tâm mua sắm lớn như Vincom, Union Square và nhà ga chính của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt nội dung thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu trung tâm hành chính TP.HCM” và đã chọn phương án thiết kế của công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản).
Theo đó, công trình được quy hoạch theo hướng: Có phân khu chức năng rõ ràng, giao thông đối nội giữa các Sở, Ngành trong khu trung tâm hành chính phải tách biệt với khu đất bố trí trụ sở làm việc của UBND.
Ranh giới quy hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính bao gồm toàn bộ ô phố tiếp giáp các tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi, có diện tích khoảng 18.088 m2.
Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của ô phố có mật độ xây dựng 60%, hệ số sử dụng đất 3, chiều cao công trình 30m. Khu đất này hiện là địa điểm đặt trụ sở HĐND, UBND TP.HCM, Sở Nội vụ, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Thông tin truyền thông và Sở Công thương.
Cũng theo phương án thiết kế được lựa chọn, trung tâm hành chính mới của thành phố sẽ nằm sát, chiếm một phần diện tích tòa nhà cổ hiện là trụ sở UBND và HĐND thành phố và chiếm hoàn toàn diện tích của trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông.
Bởi vậy, dư luận hiện nay đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo tồn cũng như phương án di dời (nếu có) của 2 tòa nhà cổ, có tuổi đời hơn 120 năm sẽ được thực hiện ra sao?
Theo một chuyên gia quy hoạch, có khả năng thành phố sẽ cho di dời tòa nhà cổ này nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện đúng quy hoạch đề ra.
Tuy nhiên, di dời đi đâu và như thế nào mới là vấn đề đáng phải bàn, bởi tòa nhà này không chỉ là một khối đơn nhất mà là một dãy nhà gồm nhiều gian khác nhau. Do vậy, nếu tính đến chuyện di dời nguyên trạng đến một vị trí khác là điều bất khả kháng. Chúng ta buộc phải biết rằng giá trị bảo tồn công trình cổ nằm ở chỗ giữ nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn không gian đô thị xung quanh.
Phương án quy hoạch mới của các tư vấn thiết kế Nhật Bản.
Chỉ trong vòng 3 năm tới, khu vực này sẽ thay da đổi thịt bằng nhiều công trình quy mố lớn, hiện đại nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong bối cảnh mới.
Một góc khu trung tâm hành chính đang được quy hoạch. Tại đây, trong tương lai sẽ có cả một đại trung tâm mua sắm hiện đại trong lòng đất, kết nối trực tiếp với nhà ga chính của tuyến metro.
Khi chúng tôi muốn được xem qua bản quy hoạch dự án Khu trung tâm hành chính TP.HCM, một đại diện của Tư vấn thiết kế cho biết do có những nội dung vẫn chưa được công khai nên không thể công bố. Mọi việc sẽ rõ ràng khi chính quyền thành phố công bố toàn bộ vào thời gian tới, sau khi đã phê duyệt những nội dung điều chỉnh mới.
Hiện trạng khu vực đang được xây dựng trung tâm hành chính TP.HCM. Nhà thầu đang thi công phần ngầm.
Tòa nhà có tuổi đời 120 năm hiện nay là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM. Bài toán khó đang được các nhà quy hoạch tìm lời giải cho thành phố.
Xung quanh khu vực quy hoạch có những công trình kiến trúc cổ còn hiện hữu, có “tuổi đời” trên dưới 100 năm như trụ sở Bảo tàng TP.HCM trong hình...
Trụ sở UBND Thành phố hiện nay.
Toàn bộ công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Cho thuê nhà Tp.HCM | Cho thuê nhà sài gòn | Cho thuê nhà Quận 1 | Cho Thuê nhà Quận 2 | Cho thuê nhà quận 3